CÔNG TÁC THI CÔNG NẠO VÉT BẰNG XÁNG CẠP
1. Định vị tuyến nạo vét:
Trên cơ sở vị trí thiết kế của toàn bộ khu vực nạo vét cùng với hệ thống mốc tọa độ, Nhà thầu sử dụng máy định vị DGPS hoặc bằng các hàng tiêu chập dọc hai bên mép dải thi công để định vị tuyến nạo vét.
2. Định vị độ sâu nạo vét:
- Đặt trạm thước nước tại vị trí ổn đinh để xác định nước trong suốt thời gian thi công. Căn cứ mốc cao độ thiết kế, dùng Máy thủy bình dẫn cao độ về trạm thước nước. Trên cơ sở độ cao mực nước tại từng thời điểm, tính toán độ sâu hạ gầu tương ứng đảm bảo thi công đúng độ sâu luồng thiết kế.
- Căn cứ độ sâu nạo vét thiết kế, cao độ mực nước và độ sâu dự phòng trong thi công, kỹ thuật thi công sẽ tính toán độ sâu hạ gầu cho từng thời điểm thi công. Trung bình khi thủy triều thay đổi 10cm điều chỉnh độ sâu hạ gầu 1 lần. Tại mỗi thời điểm, độ sâu hạ gầu được xác định theo công thức sau
- Độ sâu hạ gầu = |Cao độ đáy thiết kế| + |Cao độ mực nước| + |Độ sâu dự phòng|
- Trong quá trình thi công, sau khi xác định được độ sâu hạ gầu, đơn vị thi công sẽ buộc dây báo hiệu cao độ trên dây cáp để biết điểm dừng trong quá trình thả gầu, đảm bảo cao độ đúng theo thiết kế.
3. Thả neo cho xáng cạp:
Đặt Xáng cạp vào vị trí khởi điểm, tiến hành thả hệ thống neo (4 neo: 01 neo tống cáng lái, 01 neo tống cáng mũi, 02 neo ngang phải và trái) theo trình tự như sau:
- Thả neo tống cáng lái trước, khi xác định neo đã bám đất, không bị trượt, bò neo tiến hành thả các neo còn lại theo thứ tự neo tống cáng mũi và hai neo ngang.
- Vị trí các neo ngang phải thay đổi thường xuyên theo tiến độ thi công đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Các neo phải bám đất, không bị bò + Vị trí neo ngang đảm bảo góc kẹp của đường dây neo so với phương vuông góc với trục luồng không vượt quá 15o.
+ Vị trí các neo tống cáng lái, mũi, nằm trên trục luồng.
- Neo tống cáng mũi và tống cáng lái (2 neo) thả vào trục tâm của dải cuốc.
- Neo ngang (2 neo) được thả sang hai bên dải cuốc và vuông góc với trục dải nạo vét.
- Hệ thống neo dưới nước được thả bằng tàu lai. Khi làm neo xong, kéo căng các dây neo để kiểm tra độ bám đất của các.
- Chuẩn bị neo và bắt dây cáp tời và dây phao dấu vào neo bằng ma ní, dùng cáp cô neo vào bích mũi của tàu lai.
- Cho tời neo làm việc ở trạng thái tự do, tiến hành cho tàu lai vận chuyển neo đến vị trí.
- Khi kỹ thuật viên cuốc đã xác định tàu đã đến vị trí thả neo, ra lệnh cho tàu lai thả neo bằng cách xông dây cô neo. Khi đã thả neo xong, cho tời làm việc để kéo căng đây neo cho neo bám đất.
4. Nạo vét bằng xáng cạp:
- Đặt Xáng cạp tại mặt cắt khởi điểm của dải nạo vét, khi tàu lai đã thả xong các neo, tiến hành di chuyển Xáng cạp sang một mép biên của dải cuốc (dựa vào hệ thống chập tiêu định vị mép tuyến nạo vét).
- Khi đã thực hiện xong công tác khởi động, kỹ thuật viên điều khiển cạp tiến hành thả gầu để nạo vét.
- Việc điều khiển Xáng cạp sang trái hay phải và tiến lên nhờ vào hệ thống 04 neo. Kỹ thuật viên điều khiển cạp căn cứ vào các hàng chập để hạ gầu ngoạm thi công từng dải ngang từ hàng chập bên này đến hàng chập bên kia đảm bảo đủ chiều rộng dải cuốc.
- Đặt tàu dọc theo dải thi công, gầu đào được hệ thống cần và dây cáp hạ đến độ sâu của lớp bốc xúc và tiến hành thi công nạo vét. Mỗi dải thi công rộng khoảng hơn 10m, mỗi lớp đất cuốc dày 1m đến 3m, các tàu thi công từ trái qua phải theo hướng thi công và ngược lại.
- Các tàu thi công cuốn chiếu, các lớp thiết kế sẵn đảm bảo không sót lỏi sau khi thi công xong.
- Với cao độ thước nước, hạ độ sâu gầu để đạt độ sâu thiết kế theo quy định kể cả độ sâu dự phòng cho việc sai số thi công và hiện tượng bồi lấp lại có thể xảy ra trong quá trình thi công.
- Sà lan đổ đất cập mạn và buộc vào Xáng cạp bằng dây cáp. Đất nạo vét cạp lên được đổ vào sà lan chở đất thông qua gầu ngoạm, khi đầy sà lan tháo cáp dùng tàu kéo kéo sà lan đến đổ tại vị trí bãi thải đổ đất.
- Tiếp tục thực hiện thi công theo phương pháp trên cho đến khi hoàn thành hết dải nạo vét.
- Độ sâu hạ gầu ngoạm của Xáng cạp sẽ được điều chỉnh trong mỗi lần mực nước thay đổi 0,1m.
- Để tránh vương vãi đất xuống khu vực đã nạo vét không được đổ quá đầy đất lên sà lan và không neo sà lan chứa đầy đất chờ đợi ở khu vực đã nạo vét.
Sơ đồ công nghệ thi công bằng Xáng cạp
Ghi chú:
+ Để đảm bảo đáy luồng thi công đồng đều và đủ độ sâu thiết kế, công tác đo đạc kiểm tra thi công được thực hiện hàng ngày, điều chỉnh tàu đào thi công đủ độ sâu cũng như chiều rộng khu nước và chú ý khi thi công dải sau phải mở rộng sang dải trước.
+ Độ sâu thả gầu phải được điều chỉnh trong mỗi lần khi mực nước lên xuống thay đổi 0,1m.
+ Sau khi nạo vét xong từng khu vực,đơn vị thi công sử dụng phương pháp chọc sào để kiểm tra sơ bộ đáy nạo vét; đến khi nghiệm thu với Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát sẽ sử dụng máy đo sâu hồi âm.